Quản lý di sản kiến trúc Dinh Độc Lập


QUẢN LÝ DI SẢN KIẾN TRÚC DINH ĐỘC LẬP

Huỳnh Trọng Nhân

MỞ ĐẦU


Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc bằng sự kiện lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên, phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập; và Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa - Dương Văn Minh, cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Đây là một mốc son quan trọng của cách mạng Việt Nam, là giây phút Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi, khi nhân dân hai miền Nam, Bắc sum họp một nhà, đất nước hoàn toàn thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. 

Dinh Độc Lập là nơi chứng kiến sự chuyển giao quyền lực giữa chính quyền Sài Gòn với chính quyền cách mạng. Có thể nói di tích là nhân chứng kể lại lịch sử trung thực nhất. Vì vậy, bảo tồn và trùng tu di tích có vai trò quan trọng để giữ gìn câu chuyện của quá khứ. Trong không khí hào hùng của lễ kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người viết xin giới thiệu với bạn đọc những câu chuyện bảo tồn và trùng tu của nhân chứng lịch sử quan trọng này.

CÂU CHUYỆN CỦA QUÁ KHỨ


Nếu tính từ thời điểm xây dựng “Dinh thống đốc” lần đầu năm 1863, công trình đã tồn tại hơn 150 năm, với nhiều thay đổi về tên gọi, kiến trúc và qui mô. Trước sự kiện giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975, “Dinh Độc Lập” là biểu tượng cho quyền lực của chính quyền thực dân, chế độ cũ. Trong hai lần xây mới năm 1868 và 1962, dinh thự đều mang tính hiện đại bậc nhất so với khu vực lúc đó. Năm 1867, Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp; và đến tháng 2 năm 1868, thống đốc Nam kỳ Lagrandière cho khởi công xây dựng lại dinh thống đốc cũ, vốn được xây dựng bằng gỗ vào năm 1863. Khu dinh mới này được xây dựng trên diện tích 12ha theo bản thiết kế của kiến trúc sư Hermite, mang đặc trưng tiêu biểu kiến trúc cổ điển phương Tây kết hợp sự lãng mạn cách tân của Baroque, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Sau khi hoàn thành năm 1871, Dinh được mang tên Norodom vì Quốc vương Norodom (Campuchia) là vị vua đầu tiên ở Đông Dương ký hiệp ước đồng ý sự bảo hộ của Pháp, mở đường cho Pháp vào xâm lược “Indochine”.


Sơ đồ 1. Những sự kiện lịch sử quan trọng của “Dinh Độc Lập” (1)

Sau hiệp định Paris năm 1954, quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam, và bàn giao Dinh cho chính quyền Quốc Gia Việt Nam với đại diện là thủ tướng Ngô Đình Diệm. Từ đó, công trình có tên gọi là Dinh Độc Lập, là nhân chứng cho những biến cố chính trị của chế độ cũ. Trong sự kiện đảo chính năm 1962 của Đảng đối lập, Dinh Độc Lập bị ném bom sập cánh trái, buộc Ngụy quyền Sài Gòn xây dựng dinh mới. Công trình lần này được thực hiện theo bản thiết kế của KTS. Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã (Prix de Rome). Tuy yêu cầu thiết kế đặt ra là tiết kiệm, tận dụng kết cấu cũ (phần móng), nhưng đồ án của ông đã có sự thay đổi khác biệt khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc hiện đại với kiến trúc Á Đông, đặc biệt là kiến trúc truyền thống Việt Nam thay vì mang phong cách cổ điển phương Tây. Vì Ngô Viết Thụ là một người am hiểu rất rõ về phong thủy, nên mặt bằng tổng thể và mặt đứng của Dinh được ông bố cục, thiết kế theo triết học phương Đông một cách thâm thuý, thể hiện qua chiết tự những chữ Hán có ý nghĩa. Ngoài ra, các chi tiết kiến trúc nhỏ cũng được người thiết kế chăm chút một cách tinh tế, từ các đường nét kiến trúc đều dùng đường kỷ hà; các hành lang, đại sảnh, các phòng đều lấy câu “chính đại quang minh” làm gốc; đến việc “rèm hoa đá” được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế.

Bảng 1 Các triết lý được KTS. Ngô Viết Thụ vận dụng khéo léo khi thiết kế Dinh Độc Lập (1)

 Triết lý

Minh họa

Toàn thể bình diện của Dinh tạo thành hình chữ CÁT ( 吉 ) có nghĩa là tốt lành, may mắn.

Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU ( 口 ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận.

Hình chữ KHẨU ( 口 ) có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG ( 中 ) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên.

Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( 三 ), ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố: Nhân, Minh, Võ.

Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( 王 ), trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ ( 主 ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước.

Mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( 興 ) ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.


Mặc dù Ngô Đình Diệm là người quyết định xây dựng Dinh Độc Lập, nhưng đã bị ám sát năm 1963, nên không được ngày nào làm “chủ” dinh. Từ đó đến ngày chiến thắng mùa xuân 1975, do nhiều biến cố chính trị, chính quyền chế độ cũ cũng không có ai thực sự ngồi vững trên chiếc ghế của “chủ nhà” của Dinh.

CỦA HIỆN TẠI…

Câu chuyện quá khứ cho chúng ta thấy di tích Hội trường Thống Nhất mang những giá trị như: giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc, thẩm mỹ và giá trị nơi chốn. Tồn tại hơn 50 năm, công trình Dinh Độc Lập hiện tại là nguồn tư liệu lịch sử chính xác, khách quan về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam cũng như quan điểm chính trị, tôn giáo, quan hệ kinh tế xã hội của giai đoạn đó. Mặt khác, được thiết kế bởi bàn tay tài hoa của KTS. Ngô Viết Thụ, công trình mang giá trị to lớn về kiến trúc, khẳng định một phong cách kiến trúc riêng của Việt Nam, kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Đồng thời công trình còn mang một giá trị thẩm mỹ khi chứa đựng nhiều hiện vật nghệ thuật. Ông Trương Quốc Bình – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định “Dinh còn chứa đựng những động sản có giá trị cao về nghệ thuật, tiêu biểu là: các loại thảm với những màu sắc và hoa văn trang trí khác nhau, các loại tượng, lư hương, các loại bàn, ghế, đèn, rèm cửa,… cùng nhiều tác phẩm khác, đặc biệt là hội họa” (2). Hơn nữa, khi xét đến quy mô đô thị, công trình còn là điểm nhấn (land mark) – một trong năm yếu tố cơ bản của hình ảnh đô thị theo Kevin Lynch (3). Đây chính là giá trị nơi chốn của công trình, mang tính định hướng cho người dân đô thị, cũng như là thói quen về tinh thần khi ta thụ cảm di tích kiến trúc.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại TP. HCM gây nhiều áp lực đến công tác bảo tồn di tích kiến trúc này, đặc biệt là sự phát triển của các công trình cao tầng lân cận. Chính vì vậy, vào năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh (4). Đồ án quy hoạch này chưa xác định rõ tính chất của công trình, bởi vì nếu xem xét Dinh Độc Lập như “di tích lịch sử” (tên gọi trong đồ án), chúng ta chỉ quan trọng ý nghĩa lịch sử và chính trị của di tích mà bỏ qua các giá trị còn lại. Với hai mục tiêu chính là “bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc thông qua các di tích hiện còn” “tôn tạo kiến trúc cảnh quan”, tầm nhìn của quy hoạch vẫn xem di sản như hiện vật trong bộ sưu tập, hay “biểu tượng mang tính chất lưu niệm”. Mặc dù vậy, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo tồn và trùng tu Dinh Độc Lập với các khu vực bảo vệ I và II, các đề xuất quản lý tầng cao công trình trên các trục đường bao quanh công trình trong bán kính 200-500m (4).

Mặt khác, nếu đồ án quy hoạch trên là cơ sở pháp lý để bảo tồn, phòng ngừa việc xâm phạm di sản từ bên ngoài, thì công trình không tránh khỏi những tư tưởng chủ quan, duy ý chí, đã đập phá "những gì liên quan đến chế độ cũ" từ bên trong. Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Bội Uy, “người ta còn đem ra thanh lý đồ đạc và đã có rất nhiều hiện vật trong dinh bị mất đi hoặc bị di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, hoặc bị gom vào kho để lộn xộn không lớp lang gì cả suốt một thời gian dài” (5). Các tư liệu lưu trữ về cách bài trí, xếp đặt bàn ghế, tranh ảnh mỹ thuật trong Dinh không còn, nên việc phục hồi nội thất cũng bị hạn chế.

Giữa các yêu cầu giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản với những hạn chế trong công tác quy hoạch và hoạt động thực tế bảo tồn và trùng tu, tác giả nhận định cần thay đổi quan điểm quản lý di sản đô thị theo xu hướng tích hợp. Thay vì xem công trình như của cải để giữ gìn như quan niệm quản lý truyền thống, phương pháp quản lý tích hợp di sản đô thị (6) đề cao sự gắn kết các giá trị xã hội của xã hội hiện đại với các giá trị của di sản, cũng như đề cao yếu tố môi trường và kinh tế liên quan như là một phần của di sản trong bất kỳ đô thị nào. Chiến lược quản lý tích hợp sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan, đáp ứng được mong muốn của nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là sự tham gia của người dân đô thị.

Bảng 2 Các chỉ tiêu trong Quản lý tích hợp trong bảo tồn và trùng tu (7)

Tiêu chí

Chi tiết

Bền vững

Về văn hóa, xã hội, sinh thái và kinh tế.

Toàn diện

Xác định tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển du lịch di sản đô thị.

Liên kết ngành

Lồng ghép bảo tồn với các lĩnh vực khác như du lịch, cơ sở hạ tầng, giáo dục, lao động, và tài nguyên thiên nhiên.

Có sự tham gia và có tính toàn bộ

Có sự tham gia của các bên liên quan và cần tính đến cộng đồng địa phương. Chia sẻ công bằng các lợi ích kinh tế.

Có quá trình

Liên tục, linh hoạt và có phản hồi định kỳ.

Khả thi

Thực tế, khả thi về tài chính và có định hướng triển khai.


Trong mối quan hệ giữa ba chân vạc giữa giá trị di sản với kinh tế và môi trường, các di sản được quy hoạch tốt có thể thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng. Sự phát triển này sẽ không thể đạt được thông qua quy hoạch truyền thống và thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan. Trong quy hoạch di sản đô thị, để có sự lồng ghép giúp quản lý các nhu cầu khác nhau, chúng ta cần liên kết việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển môi trường và kinh tế xã hội. Quản lý tích hợp đòi hỏi đáp ứng được các tiêu chí: bền vững, toàn diện, liên kết ngành, có sự tham gia và có tính toàn bộ, có quá trình và khả thi.

Sự hợp tác giữa các bên liên quan mang lại những lợi ích cho quá trình bảo tồn và trùng tu di sản đô thị như sau:

  • Tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
  • Giảm tình trạng trì hoãn và bị kìm hãm trong phát triển di sản.
  • Gạn lọc các giá trị tôn giáo và văn hóa và giúp xác định các lĩnh vực có vấn đề.
  • Mang lại những đóng góp liên quan đến các điều kiện và tiêu chuẩn mong muốn.
  • Thúc đẩy việc cung cấp các nguồn lực về nhân sự và tài chính để hỗ trợ phát triển các điểm di sản đô thị.


Sơ đồ 2 Mối quan tâm của các bên liên quan (7)

… VÀ TƯƠNG LAI

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, Dinh Độc Lập vẫn tồn tại như một nhân chứng lịch sử, kiến trúc và là hình ảnh khắc sâu trong lòng mỗi người dân TP. HCM. Khi vị trí của di sản kiến trúc này trên con đường phát triển đến lúc tới hạn, chúng ta phải lựa chọn giữa việc đổi mới để phát triển tiếp tục, hoặc là suy thoái. Quản lý tích hợp di sản đô thị là giải pháp cho những hạn chế của phương pháp quản lý, quy hoạch hiện tại; gắn kết các bên liên quan với nhau, đáp ứng hài hòa mong muốn của nhà quản lý, đơn vị làm du lịch với cộng đồng dân cư. Thế hệ của chúng ta sinh ra trong hòa bình, sau những năm tháng đấu tranh gian khổ để giành độc lập của cha ông. Những thay đổi kịp thời trong quản lý di sản đô thị sẽ tránh việc di tích sống trong tay chúng ta thành di tích chết ở thế hệ tương lai. Đây là điều chúng ta có thể làm như một lời tri ân với thế hệ đi trước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. BQL Di tích lịch sử Dinh Độc Lập. Di tích lịch sử Dinh Độc Lập,. [Trực tuyến] 2013. http://dinhdoclap.gov.vn/.

  2. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá Dinh Độc lập. Trương Quốc Bình. HCM : BQL Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, 2003.

3. Kevin Lynch. The Image of the City. s.l. : MIT Press, 1960.

4. Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội, : Văn phòng Chính phủ, 2013.

5. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá Dinh Độc lập. Nguyễn Thị Bội Uy. HCM : BQL Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, 2003. BQL Di tích Dinh Độc Lập.

6. European Union. Integrated Urban Management. [Online] Urban Nexus. http://www.urban-nexus.eu/www.urban-nexus.eu/index.php?option=com_content&view=article&id=6&Itemid=13.

7. Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội. Liên minh Châu Âu. Hà Nội : ESRT, 2014. Dự án EU.


   ĐÀO TẠO  ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC  SINH VIÊN  TUYỂN SINH  
   Lịch sử phát triển  Phòng Quản lý đào tạo  Tân sinh viên  Đại học chính quy  
   Ngành đào tạo  Phòng Tổ chức - Hành chính  Học bổng  Liên thông VLVH  
   Chuẩn đầu ra  Phòng Quản trị và Thiết bị  Hoạt động phong trào  Sau đại học  
   Tra cứu văn bằng  Phòng Tài chính - Kế toán  Cổng thông tin tín chỉ  Đào tạo ngắn hạn và Cao đẳng  
 
 Phòng Công tác Chính trị sinh viên
 Thư viện ảnh  Nghiệp vụ xây dựng  
     Viện Khoa học và Hợp tác quốc tế  Thông tin việc làm     
     Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng  Bài hát MTU  
 
     Khoa Xây dựng  Biểu trưng MTU (logo)  Tư vấn tuyển sinh  
     Khoa Kiến trúc    Hotline: (0270) 3 825 903  
     Khoa Kỹ thuật Hạ tầng đô thị    Email: tuyensinh@mtu.edu.vn  
     Khoa Kinh tế      
     Khoa Khoa học Cơ bản  
 
     Khoa Lý luận chính trị    
     Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học  

     Trung tâm Thông tin - Thư viện      
     Trung tâm Tư vấn xây dựng    
 
     Trung tâm Thí nghiệm Xây dựng và Môi trường    
 
     Trung tâm Đào tạo Thường xuyên      
     Tạp chí Khoa học và Công nghệ      
           

Copyright © 2013 Trường Đại học Xây dựng Miền Tây - Số 20B Phó Cơ Điều, Phường 3, Tp. Vĩnh Long, Tỉnh Vĩnh Long
Tel: (0270) 3 823 657 - Fax: (0270) 3827457
Email: banbientap@mtu.edu.vn